Đối với các phụ huynh có con bị tự kỷ thì có lẽ khái niệm AAC không còn quá xa lạ nữa. Đây là một phương pháp hữu ích giúp cải thiện khả năng giao tiếp của con, giúp con thể hiện nhu cầu của bản thân, từ đó giảm các hành vi định hình và giúp con hòa nhập xã hội hơn.
AAC là gì?
Theo Hiệp hôi Ngôn ngữ học Hoa Kỳ (ASHA) Giao tiếp Tăng cường và Thay thế (AAC) bao gồm tất cả các hình thức giao tiếp (ngoài lời nói bằng miệng) được sử dụng để bày tỏ suy nghĩ, nhu cầu, mong muốn và ý tưởng. AAC có thể được sử dụng để bổ sung cho lời nói hiện có hoặc thay thế khi không có lời nói.
Đối tượng sử dụng AAC không chỉ là trẻ tự kỷ mà là tất cả những trẻ có nhu cầu giao tiếp, giao tiếp giúp trẻ thể hiện cảm xúc, nhu cầu của bản thân. Do đó tất cả trẻ em đều có quyền được giao tiếp và hội nhập xã hội.
Đối với trẻ tự kỷ, việc trẻ gặp khó khăn trong sử dụng lời nói, trong giao tiếp là tình trạng rất phổ biến. Do đó các bậc phụ huynh luôn tìm mọi phương pháp can thiệp về ngôn ngữ để mong trẻ có lời nói. Tuy nhiên, bố mẹ trẻ phải hiểu rằng lời nói chỉ là 1 loại phương tiện giao tiếp, là ngọn, phần cao nhất của tháp giao tiếp. Theo nghiên cứu của các chuyên gia có tới, 25-50 % trẻ tự kỷ không có lời nói. Do đó mục tiêu của rất nhiều trẻ tự kỷ không phải là có lời nói mà là trẻ có thể “giao tiếp chức năng”. Trẻ luôn có nhu cầu giao tiếp, trẻ thể hiện cảm xúc và nhu cầu bản thân qua hành vi, do đó khi trẻ không thể giao tiếp, không thể thể hiện nhu cầu của bản thân, trẻ sẽ có những hành vi định hình, thậm chí là bạo lực. AAC giúp trẻ có được quyền giao tiếp thông qua phương tiện giao tiếp không phải lời nói, AAC cũng giúp trẻ tăng khả năng hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ.
Ảnh minh họa
Một số hiểu lầm về AAC
Tuy được biết đến khá rộng rãi nhưng vẫn có những hiểu lầm của bố mẹ trẻ về AAC, chúng ta cùng tìm hiểu về những hiểu lầm này nhé:
Một là, AAC gây cản trở giao tiếp của trẻ, khiến trẻ trở nên thụ động.
Đây là một hiểu lầm không chỉ ở bố mẹ trẻ mà ngay cả các chuyên gia cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rằng ngược lại, AAC giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và lời nói nhanh hơn. Nó cho phép trẻ em có được hình ảnh và thính giác của các từ vựng và khả năng kết hợp các từ để tạo thành câu có nghĩa. AAC là phương tiện giúp tăng khả năng tư duy của trẻ, giúp trẻ biết nhận biết, biết lựa chọn các sự vật để thể hiện nhu cầu của bản thân. Đối với những trẻ có khả năng sử dụng lời nói nhưng còn chậm, vốn từ còn ít thì AAC cũng giúp tăng các vốn từ và tăng khả năng diễn đạt của trẻ.
Hai là, Trẻ phải có nhiều kỹ năng mới dùng được AAC hay trẻ phải có nhận thức về tranh ảnh mới dùng được AAC.
Thực ra không phải như vậy, trẻ chỉ cần có nhu cầu giao tiếp là có thể dùng được AAC rồi. Bởi AAC rất phong phú, nó không chỉ dừng lại ở tranh ảnh hay phần mềm máy tính mà nó là tất cả các hình thức giao tiếp mà không phải lời nói. Trong đó ngôn ngữ ký hiệu cũng rất phổ biến AAC cũng có nhiều mức độ khác nhau để áp dụng với từng cá nhân cụ thể.
Các loại AAC
AAC được chia thành AAC không hỗ trợ và AAC hỗ trợ. Trong AAC hỗ trợ lại chia thành AAC công nghệ thấp và AAC công nghệ cao.
AAC không hỗ trợ: Là AAC không sử dụng những dụng cụ bên ngoài để hỗ trợ quá trình giao tiếp. Đây là hình thức giao tiếp sử dụng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt, được gọi là “ngôn ngữ ký hiệu”. Trẻ sẽ được các chuyên gia âm ngữ trị liệu hướng dẫn trẻ sử dụng các ngôn ngữ ký hiệu để thể hiện nhu cầu của mình. Hình thức này khá đơn giản dễ áp dụng, không tốn kém và cải thiện hành vi chống đối của trẻ rất hiệu quả. Nhiều trẻ tự kỷ đã có thể học và giao tiếp thành công thông qua ngôn ngữ ký hiệu vì nó dựa trên thị giác, không cần sự trợ giúp và cung cấp một phương thức giao tiếp nhanh chóng. Ngoài ra, nó là thứ có thể dễ dàng học và sử dụng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Bằng cách cung cấp một cách để trẻ giao tiếp, bạn có thể giúp giảm các hành vi tiêu cực phát sinh từ việc trẻ không có khả năng truyền đạt mong muốn và nhu cầu tức thì của chúng. Tuy nhiên nó lại có chút khuyết điểm là đối tượng giao tiếp của trẻ bị thu hẹp bởi không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của các ký hiệu ngôn ngữ. Trẻ dùng ngôn ngữ ký hiệu thường chỉ sử dụng được với những người hiểu về nó.
AAC hỗ trợ
- AAC hỗ trợ công nghệ thấp như tranh ảnh, có thể là các thẻ tranh vẽ các đồ vật hoặc là ảnh trực tiếp chụp các đồ vật, dụng cụ trong gia đình, sách, chữ viết...
- AAC hỗ trợ công nghệ cao là các app được cài đặt ở máy tính, điện thoại. Tuy nhiên để sử dụng được các app này trẻ cần ít nhất tập sử dụng ít nhất 1 đợt. Nếu không trẻ sẽ không hiểu các sự vật trong app, không hiểu cách dùng app. Ở Việt Nam, TalkTablet chính là app giúp trẻ giao tiếp phổ biến nhất. Ngoài ra còn các thiết bị tạo giọng nói hoặc hỗ trợ giao tiếp đầu ra bằng giọng nói.